Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất ngân hàng những điều cần biết

4.1/5 - (70 bình chọn)

Đối với thủ tục vay vốn ngân hàng, đăng ký thế chấp là một bước rất quan trọng. Tuy nhiên đến giai đoạn này nhiều tình huống phát sinh phụ thuộc vào cách giải quyết vấn đề bên ngoài ngân hàng, sự am hiểu thị trường, thủ tục ở từng địa phương của nhân viên tín dụng (vì những vấn đề này hoàn toàn không có trong quy định ngân hàng lẫn nhà nước).

Đăng ký thế chấp là gì ?

Đăng ký thế chấp là việc cơ quan nhà nước (văn phòng đăng ký đất đai) ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng) nội dung “tài sản hiện đang thế chấp ở đâu, theo hợp đồng công chứng nào).

Ví dụ cụ thể :

  • Đối với khoản vay vốn thế chấp ngân hàng thì nội dung cập nhật thế chấp trên sổ sẽ là “ tài sản này đang được thế chấp tại Ngân hàng ABC, theo hợp đồng công chứng số 123 ngày 12/11/2019”
  • Đối với khoản vay vốn giữa các cá nhân với nhau, thì nội dung cập nhật trên sổ sẽ là “thế chấp cho Ông/Bà Nguyễn Văn A, theo hợp đồng công chứng số 456 ngày 12/11/2019”.

Thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là việc ghi nhận thông tin trên sổ

Bước 1 : Sau khi ký hợp đồng thế chấp tại văn phòng công chứng, ngân hàng sẽ giữ bản gốc toàn bộ giấy chứng nhận pháp lý tài sản.

Bước 2 : Nhân viên ngân hàng sẽ đến văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện đăng ký thế chấp (đăng ký giao dịch bảo đảm). Nộp hồ sơ và chờ văn phòng đăng ký đất đai trả “biên nhận đăng ký thế chấp” – Gọi là giấy hẹn trả kết quả đăng ký thế chấp.

Bước 3 :

  • Sau khi có giấy hẹn trả kết quả, nhân viên ngân hàng cầm về.
  • Thông thường nội dung giấy hẹn sẽ có thời gian hẹn là từ 1 ngày đến 5 ngày (tùy theo mỗi đơn vị hành chính tại địa phương) sẽ có kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm là giấy chứng nhận đã được câp nhật thế chấp.

Bước 4 : Đến ngày hẹn trả kết quả, nhân viên ngân hàng lại đến văn phòng đăng ký đất đai, và lấy bản gốc giấy chứng nhận đã được cập nhật nội dung thế chấp về ngân hàng.

Sau đó thực hiện thủ tục nhập kho tài sản (đem bảo gốc vào kho lưu trữ của ngân hàng) và khách hàng chờ giải ngân.

Xem thêm : Giải ngân mất bao lâu

Vì sao cần đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất ?

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc vay mượn nợ không chỉ có ở ngân hàng và tổ chức tín dụng được phép cho vay, mà ngay cả giao dịch vay mượn nợ giữa các cá nhân với nhau vẫn được phép (miễn lãi suất theo quy định của ngân hàng nhà nước và không bị biến tướng thành cho vay nặng lãi).

Việc ghi nhận cập nhật nội dung thế chấp trên sổ là việc pháp luật chứng nhận và thừa nhận việc “thế chấp vay vốn” có hiệu lực (theo luật dân sự 2015), có nghĩa là được pháp luật thừa nhận kể từ ngày cập nhật trên sổ.

Mục đích của việc đăng ký thế chấp là việc pháp luật thừa nhận thứ tự ưu tiên giải quyết các tranh chấp sau này xảy ra nếu khách hàng không trả được nợ vay.

Và đây là cơ sở, căn cứ để bên cho vay có quyền áp dụng các biện pháp xử lý tài sản hợp pháp (bán, cho thuê) để xử lý nợ.

  • Xem thêm những trường hợp không được đăng ký thế chấp.

thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Những lưu ý khi ký đơn đăng ký thế chấp

Khách hàng sẽ ký đơn đăng ký thế chấp ngay tại văn phòng công chứng, mà không cần đi cùng cán bộ ngân hàng đến tại văn phòng đăng ký đất đai.

Về chữ ký tại đơn đăng ký thế chấp :

  • Chủ sở hữu tài sản sẽ ký vào phần yêu cầu đăng ký thế chấp.
  • Nếu tài sản của hai vợ chồng thì cả hai vợ chồng cùng ký vào đơn đăng ký.
  • Nếu tài sản của nhiều người, thì bên được ủy quyền sẽ ký vào đơn đăng ký.

Về nội dung tại đơn đăng ký thế chấp : Lưu ý kiểm tra tính chính xác về

  • Họ tên của chủ sở hữu tài sản thế chấp
  • Diện tích đất, diện tích xây dựng
  • Những nội dung tại đơn đăng ký thế chấp phải phù hợp với hợp đồng thế chấp và giấy chứng nhận, tránh sai xót dẫn đến kéo dài thêm thời gian giải ngân do phải ký lại.

 Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất ở đâu ?

Đối với tài sản là sổ đỏ, sổ hồng, giấy chứng nhận QSD đất thuộc sở hữu của cá nhân, hộ gia đình, việc đăng ký thế chấp ở Chi nhánh của văn phòng đăng ký đất đai tọa lạc tại quận/huyện nơi cấp sổ (cấp huyện).

Đối với tài sản thuộc sở hữu của công ty, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký thế chấp ở Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở tài nguyên môi trường tỉnh/thành phố nơi có đất (cấp tỉnh).

Written by 

Minh Minh - Biên tập viên tại EBank Vietnam. Tham gia EBank Vietnam 18/10/2019. "Trưởng thành với những tháng năm làm nghề ngân hàng đã cho mình vốn kinh nghiệm sống quý giá, với mình niềm đam mê lớn nhất chính là chia sẻ những gì mình biết, kể lại những chuyện mình từng trãi qua bằng thế giới content mang đến bạn"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.